VIGO hân hạnh tổ chức khai trương nhà hàng KITAYA
Nhà hàng Nhật Kitaya tại Crescent Mall (quận 7, TP HCM) do bà Trần Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc điều hành, và ông Kazu Sanoda, bếp trưởng nhà hàng Kitaya, đồng sáng lập. Không gian nhà hàng thoáng mát với tông màu trắng và nâu nhạt của bàn ghế gỗ. Thiết kế nội thất hiện đại pha lẫn cổ điển, hòa trộn giữa nét kiến trúc phương Đông và phương Tây.
Các món ăn truyền thống Nhật Bản có trong menu đều được nghiên cứu và thiết kế bởi đầu bếp người Nhật Kazu Sanoda. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông và bà Mỹ Linh tại Singapore đã gợi cho hai người ý tưởng về việc đưa những món ăn truyền thống Nhật Bản về Việt Nam nhưng phải phù hợp với khẩu vị người Việt.
Bà Linh ấn tượng mạnh sau khi nếm thử món mì Udon sốt kem tại hệ thống nhà hàng Waraku và MOF (Singapore) do ông Kazu Sanoda đảm nhận nghiên cứu và set up thực đơn. Vị béo của sốt kem; sợi mì udon được được nhập khẩu từ Nhật; ăn kèm với thịt xông khói và hải sản. Bà Linh quyết định đưa món ăn này về làm món chủ lực cho nhà hàng của mình tại Việt Nam.
“Ở Việt Nam không thiếu nhà hàng Nhật, nhưng mì Udon sốt kem thì chỉ Kitaya mới có. Đó là lý do tôi tự tin đưa món mì này về nước để người Việt có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon, hương vị mới lạ, pha trộn văn hóa Đông – Tây mà vẫn hợp khẩu vị người Việt”, bà Linh chia sẻ.
Ban đầu, bà Linh cũng băn khoăn về việc nhiều người Việt không thích vị béo ngậy của sốt kem. Ông Sanoda và bà đã cùng bàn bạc, nghiên cứu để điều chỉnh công thức. Phần sốt kem được nhập trực tiếp từ Nhật Bản giúp giữ nguyên hương vị ban đầu của món ăn. Ông Sanoda biến tấu làm sốt kem loãng hơn, không gây ngấy dù ăn nhiều.
Bếp trưởng Kazu Sanoda là người chịu trách nhiệm lên thực đơn và chế biến chính cho nhà hàng Nhật Kitaya. |
“Khi nhận lời về Việt Nam, tôi muốn đem phong cách ẩm thực ‘Omakase’ của người Nhật đến gần hơn với ẩm thực Việt. Hơn 40 năm làm đầu bếp, trong đó có 16 năm làm bếp trưởng tại hai nhà hàng lớn ở Singapore, tôi hy vọng người Việt có thể tin tưởng và giao cho tôi quyền quyết định, mang đến cho họ trải nghiệm những món ăn ngon mới lạ do chính tôi sáng tạo, những thứ chỉ duy nhất tại nhà hàng Kitaya mới có”, đầu bếp Kazu Sanoda cho biết.
“Omakase” xuất phát từ động từ “makasu”, nghĩa là tin tưởng. Phong cách ẩm thực Omakase mà ông Sanoda muốn nói tới có thể hiểu là hãy cứ tin tưởng và để người đầu bếp là ông, quyết định món ăn cho bạn. Những nguyên tắc gắn liền với phong cách Omakase đó là thực khách sẽ không chủ động gọi món, không hỏi giá và không có bất kỳ yêu cầu nào về món ăn. Tất cả mọi thứ từ nguyên liệu, hương vị cho đến cách trình bày đều phụ thuộc vào đầu bếp.
Bên cạnh Udon tôm hùm sốt kem, ông Sanoda còn triển khai món lẩu giấy dành cho một người. Điểm đặc biệt của món ăn này là toàn bộ nước lẩu và nguyên liệu như rau, thịt, hải sản… được đặt trong một chiếc phễu giấy. Phía dưới đốt nóng bằng đèn cồn không mùi. Phễu giấy đặc biệt là loại giấy dùng trong nghệ thuật xếp giấy origami của người Nhật, nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản. Giấy không bắt lửa, không thấm nước và truyền nhiệt tốt. Ông Sanoda cho biết bên cạnh nêm nếm vừa ăn, thay vì dùng nồi, lẩu giấy giúp hương vị nước lẩu thanh, ngọt, không bị gắt.
Lẩu giấy dành cho một người và mì Udon tôm hùm sốt kem là hai món ăn được nhiều thực khách ưa chuộng tại Kitaya. |
Ngoài hương vị món ăn, giá cả cũng là vấn đề khiến bà Linh đắn đo không kém. Bà mong muốn mang đến cho thực khách những món ăn ngon, chất lượng, dịch vụ tiện nghi nhưng giá phải chăng, hợp túi tiền nhiều người. Nguyên liệu nhập khẩu tuy giá thành cao nhưng chất lượng đảm bảo. Sắp tới, bà Linh dự định tìm thêm đối tác để hợp tác lâu dài, hạ giá thành sản phẩm xuống nhưng chất lượng giữ nguyên để tiếp cận thêm nhiều thực khách.
“Chất lượng nguyên liệu phải đạt chuẩn, hợp vệ sinh, giá thành hợp lý để giá món ăn không bị đội lên quá cao là mục tiêu của tôi khi xây dựng thương hiệu Kitaya tại Việt Nam. Chỉ cần khách hàng biết được ở Kitaya có những món ăn cao cấp, ngon, bổ, rẻ, tôi tin họ sẽ quay lại nhiều lần nữa và giới thiệu với bạn bè, người thân của mình”, bà Linh cho biết.
Trong tương lai, bà Linh sẽ tiếp tục mở thêm các chi nhánh nhà hàng Kitaya ở nhiều tỉnh thành khác; đa dạng hóa menu để thực khách có nhiều lựa chọn hơn. Hiện tại Kitaya đã có những món ăn truyền thống của Nhật Bản và một số món ăn phương Tây. Sắp tới, menu sẽ được lược bỏ bớt những món ăn ít người chọn, thay vào đó sẽ là những món đặc trưng của Singapore. Bà Linh hy vọng với sự đổi mới không ngừng, Kitaya sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và mở rộng thành chuỗi nhà hàng lớn trên cả nước.